VÌ NGƯỜI NGHÈO - KHÔNG ĐỂ AI BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU
Xuyên suốt quá trình xây dựng đất nước, xóa đói giảm nghèo luôn là mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta. Quan điểm, chủ trương của Đảng về xóa đói giảm nghèo đã và đang được thể hiện trong  các Văn kiện Đại hội Đảng qua nhiều thời kỳ, ngày càng sâu rộng và toàn diện hơn.

Để triển khai các quan điểm, chủ trương của Đảng, giai đoạn 2011 - 2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, giai đoạn 2021 - 2025. Cùng với đó, Chính phủ cũng đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền, ban hành Chương trình hành động, thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, Chính phủ đã rà soát, đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách giảm nghèo theo hướng bền vững.

Các địa phương cũng đã cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững trong Nghị quyết của cấp ủy, Chương trình hành động của chính quyền từng giai đoạn 5 năm, hằng năm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện công tác giảm nghèo bền vững; xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững đặc thù của địa phương; tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo; xây dựng, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, kết hợp giải quyết tốt các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội; huy động tối đa nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo bền vững; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ theo dõi công tác giảm nghèo ở các cấp, nhất là cán bộ ở cấp xã.

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng chuẩn nghèo đa chiều (6 chiều về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin) dựa trên cách tiếp cận đảm bảo quyền con người, quyền công dân đặc biệt là quyền được đảm bảo an sinh xã hội của công dân theo Hiến pháp năm 2013; hướng tới mục tiêu hỗ trợ toàn diện, bao trùm người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn nghèo, giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần, được đáp ứng nhu cầu về điều kiện sống an toàn; tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản; nâng cao năng lực và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Riêng tại tỉnh Trà Vinh, công tác giảm nghèo bền vững trong những năm qua ghi nhận các kết quả tích cực. Theo số liệu rà soát của Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh, tính đến năm 2022 số hộ nghèo của tỉnh tiếp tục giảm còn 5.404 hộ, chiếm tỷ lệ 1,88%; hộ cận nghèo giảm còn 10.905 hộ, chiếm tỷ lệ 3,8%. Trong những năm gần đây, tỉnh đã tập trung nhiều nguồn lực hướng đến người dân nghèo có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer. Các chương trình mục tiêu giảm nghèo được triển khai đồng bộ, với nội dung, giải pháp phù hợp và đạt được kết quả cao, đáp ứng được tình hình thực tế, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn.

Đặc biệt, Thực hiện Quyết định số 666/QĐ-TTg ngày 02/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025. Để phong trào thi đua đạt kết quả toàn diện, ngày 01/11/2022 Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 76/KH-UBND tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của Kế hoạch là giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Cụ thể: Phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh duy trì mức giảm bình quân 0,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 1%/năm; phấn đấu 100% số xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Trà Vinh cũng thực hiện tốt công tác thu hút đầu tư, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vận động quỹ an sinh xã hội, tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ đầu tư cho công tác giảm nghèo. Bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, việc tăng cường công tác đối ngoại nhân dân thông qua việc vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh góp phần quan trọng phục vụ cho công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây. Giai đoạn 2018-2022, thông qua Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, tỉnh đã tiếp nhận 120 chương trình/dự án do các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tài trợ với tổng kinh phí khoảng 90,1 tỷ đồng. Các chương trình/dự án tập trung trên nhiều lĩnh vực như: Giáo dục - Đào tạo, y tế, vệ sinh môi trường, biến đổi khí hậu, phát triển nông thôn tổng hợp,… Mục tiêu hàng đầu là hỗ trợ cho người nghèo cải thiện thu nhập; hỗ trợ phụ nữ, người già, người khuyết tật và trẻ em tiếp cận được các quyền cơ bản và dịch vụ xã hội.

 

Trao tặng quà Tết cho bà con nghèo

Trải qua nhiều giai đoạn, thực tiễn chứng minh giảm nghèo bền vững luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là chủ trương nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, nhằm bảo đảm quyền con người và thực hiện các mục tiêu phát triển của Liên Hợp Quốc. Chính vì vậy, chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương đã và đang nỗ lực hành động với mục tiêu: Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau.

Q.N

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 4
  • Trong tuần: 51
  • Tất cả: 178737