Chủ động thích ứng với Biến đổi khí hậu
Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của biến đổi khí hậu gây ra, đặc biệt là lũ lụt, hạn hán, sạt lở bờ sông, bão, xâm nhập mặn do nước biển dâng và các thiên tai khác, trong đó đối tượng chịu tác động mạnh mẻ chính là người dân.

Ngày 13/3/2021, Thủ tướng Chính phủ (nay là Chủ tịch nước) Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP, ngày 17/11/2017 của Chính phủ về “phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”. Nghị quyết số 120/NQ-CP, đã tạo sự chuyển biến căn bản về mặt nhận thức, thay đổi tư duy sẽ làm thay đổi thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), để từ đó phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể là, chuyển đổi từ phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên ưu đãi như điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn lợi thủy sản sang phát triển dựa vào năng suất lao động, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, đa dạng hóa sản phẩm; coi nước mặn, nước lợ là tài nguyên để chuyển đổi cơ cấu; qua đó góp phần làm thay đổi toàn diện ngành nông nghiệp. Phát triển bền vững theo phương châm sống chung với lũ, sống chung với mặn, với khô hạn, thiếu nước, để phù hợp với điều kiện thực tế.

Về phía người dân, từ chuyển biến về mặt nhận thức đã dẫn đến các thay đổi về tư duy và hành động; từ thực tế nhận thấy, người dân chưa xác định được hình thức sinh kế nào để thích ứng với khí hậu hiện nay, thêm vào đó là các giải pháp truyền thống không mang lại hiệu quả. Minh chứng từ sản xuất nhỏ, lẻ, thiếu đầu ra, kinh tế thấp nay chuyển sang sản xuất tập trung, áp dụng khoa học và công nghệ để thích ứng với điều kiện khí hậu thực tế, đồng thời bám sát vào chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ đã mang lại chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế cao so với trước đó.

Riêng đối với Trà Vinh là tỉnh nằm ở phía Đông Nam của Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có dân số trên 01 triệu người, với khoảng 1/3 dân số là người dân tộc Khmer, người dân chủ yếu sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp, đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn. Trong những năm qua, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, mạnh dạn chuyển đổi từ các loại cây trồng và vật nuôi hiệu quả thấp sang các loại cây trồng và vật nuôi hiệu quả kinh tế cao hơn theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với cơ chế thị trường và thích ứng với BĐKH, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của tỉnh phát triển khá toàn diện.

Thời gian qua, BĐKH và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân. Tỉnh Trà Vinh ít bị tác động nhiều bởi mưa bão, tuy nhiên trong đợt xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống và sản xuất của người dân; trước tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm, chỉ đạo, đôn đốc các ngành, các cấp trong tỉnh chủ động phòng chống, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Bảo vệ an toàn tính mạng tài sản của nhân dân và nhà nước.

* Kịp thời vận động, hỗ trợ người dân

 Tỉnh Trà Vinh đã thực hiện nhiều giải pháp cấp bách nhằm tăng cường cung cấp nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân, doanh nghiệp trong giai đoạn hạn mặn diễn biến gay gắt; đồng thời tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tình hình xâm nhập mặn, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật ứng phó với hạn, mặn trên cây trồng và vật nuôi nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất cho người dân; hướng dẫn người dân trữ nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường nông thôn và các giải pháp kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn; chủ động áp dụng các biện pháp tiết kiệm nước trong sản xuất và sinh hoạt.

Theo số liệu báo cáo, trước tình hình xâm nhập mặn ngày càng gay gắt trong những năm vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thành đưa vào sử dụng 02 cống ngăn mặn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh (Cống Tân Dinh và Cống Bông Bót). Ngoài ra, công trình Nạo vét kênh Mây Phốp – Ngã Hậu hoàn thành góp phần dẫn nước ngọt từ Vĩnh Long về Trà Vinh phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Đối với công tác thủy lợi nội đồng: Trong năm 2020, tỉnh đã triển khai nạo vét 445/445 công trình, tổng chiều dài 335.581m kênh, khối lượng 791.622m3. Khuyến khích người dân trữ nước ngọt trong mùa khô trong kênh rạch, ao hồ .v.v…để đảm bảo tưới tiêu cây trồng, vật nuôi.

Đối với nước sinh hoạt: Mở rộng tuyến ống cấp nước với tổng chiều dài 170.950m, cung cấp cho 4.000 hộ; mua ống và phụ kiện để lắp đặt đường ống cấp nước với tổng chiều dài tuyến ống 123.450m, cung cấp nước sinh hoạt cho 2.950 hộ dân và bổ sung 06 giếng khoan hỗ trợ cho gia đình chính sách gặp khó khăn về nước sinh hoạt trong mùa khô 2019-2020.

Lãnh đạo tỉnh tạo điều kiện môi trường hoạt động thuận lợi, mong muốn sự hợp tác của các đối tác, các tổ chức, các nhà tài trợ quốc tế chung tay cùng với người dân vượt qua giai đoạn khó khăn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 5/24 tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động về lĩnh vực ứng phó với BĐKH, trong đó nổi bật là:

1/ Tỉnh đã ký kết với Tổ chức Liên minh Na Uy tại Việt Nam thực hiện dự án phòng ngừa và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2018-2022, với nguồn ngân sách tài trợ là: 650.000 đôla. Dự án được thực hiện để giải quyết các vấn đề then chốt như: nâng cao kiến thức và năng lực; tăng khả năng tiếp cận để ổn định thu nhập (mô hình sinh kế thông minh thích ứng với BĐKH); nhóm đối tượng hưởng lợi của dự án là trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật và dân tộc thiểu số; mục tiêu của dự án là đến năm 2022, có khoảng 162.480 người dễ bị tổn thương có kiến thức và kỹ năng để ứng phó với BĐKH, góp phần xây dựng cộng đồng địa phương thích ứng với BĐKH.

2/ Tỉnh vừa tiếp nhận viện trợ của Tổ chức Samaritan’s Purse International Relief (SPIR/Mỹ) hoạt động phi dự án hỗ trợ cộng đồng ứng phó với mùa khô 2020-2021, hình thức hỗ trợ: cung cấp bồn nước 2.000 lít, can đựng nước 20 lít, nước ngọt đã qua xử lý, gói đồ dùng vệ sinh cho 160 hộ gia đình và tập huấn lưu trữ nước mưa và bảo trì thiết bị chứa nước. Tổng vốn hỗ trợ: 42.108 USD.

Dự kiến thời gian tới, Tổ chức SPIR/Mỹ thực hiện dự án hỗ trợ Cộng đồng ứng phó hạn hán và Phát triển cộng đồng thông qua sinh kế hộ gia đình (áp dụng mô hình dự án ngân hàng bò và ngân hàng dê), giai đoạn 2021-2024; tổng vốn hỗ trợ: 1.062.060 USD.

Để ứng phó với những tác động tiêu cực của BĐKH, đảm bảo an toàn trước thiên tai, thì rất cần sự chung tay của chính quyền địa phương cùng với sự tham gia của cộng đồng nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Một tín hiệu vui là Chủ tịch nước ta nhận lời mời của Tổng thống Mỹ Ông Joe Biden dự Hội nghị trực tuyến Thượng đỉnh về khí hậu vào ngày 22-23/4/2021, với hơn 40 nguyên thủ quốc gia và có bài phát biểu quan trọng về chủ đề “Các lợi ích kinh tế của hành động khí hậu”.

Tỉnh Trà Vinh rất cần được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức trong nước, quốc tế tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh vượt qua giai đoạn khó khăn. Hy vọng sớm triển khai thực hiện Dự án hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi Nam Măng Thít tỉnh Trà Vinh, tỉnh Vĩnh Long góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong điều kiện biến đổi khí hậu gay gắt hiện nay để chủ động được nguồn nước phục vụ sản xuất, kinh doanh.

BĐKH đã và đang sẽ là thách thức lớn đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống kinh tế-xã hội, việc thay đổi tư duy và hành động sẽ là căn cứ, tiền đề cho những bước đi tiếp theo để chủ động thích ứng với BĐKH./.

Tác giả: Trúc Giang

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 5
  • Trong tuần: 50
  • Tất cả: 178742