Nhân quyền - Nền tảng phát triển đất nước
Theo dòng chảy lịch sử, ý thức về nhân quyền và việc thực hiện nhân quyền là một quá trình lịch sử lâu dài gắn với lịch sử phát triển của loài người và giải phóng con người qua các hình thái kinh tế-xã hội và các giai đoạn đấu tranh giai cấp qua đó quyền con người trở thành giá trị chung của nhân loại.

Khái niệm nhân quyền có nguồn gốc từ thời Hy lạp cổ dưới dạng các quyền tự nhiên của con người như quyền được sống... Dưới chế độ chiếm hữu nô lệ, người nô lệ không được coi là con người, không có và không được thừa nhận các quyền con người. Chế độ phong kiến so với chế độ nô lệ đã là một bước tiến trong việc giành lại quyền tự do và giải phóng con người. Trên cơ sở đó, ta thấy được rằng quá trình phát triển của lịch sử hay của bất cứ quốc gia nào cơ bản đều là quá trình đấu tranh, xây dựng và thúc đẩy quyền con người, mang lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho người dân.

Trong Hiến pháp Việt Nam từ năm 1946 đến năm 2013, quyền con người vẫn luôn là yếu tố cốt lõi, luôn được xem là mục tiêu phát triển đất nước. Sự ghi nhận các quyền và tự do cơ bản của con người trong Hiến pháp Việt Nam thể hiện quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước Việt Nam: Quyền con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển đất nước, vì dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Chỉ thị số 12/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng năm 1992 “Vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta” xác định: “Đối với chúng ta, vấn đề quyền con người được đặt ra xuất phát từ mục tiêu của Chủ nghĩa xã hội, từ bản chất của chế độ ta và bao quát rộng rãi nhiều lĩnh vực, từ chính trị, tư tưởng, văn hóa đến kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, pháp chế...”.

Thực tiễn phát triển đất nước ta đã chứng minh việc phát triển đất nước phải dựa trên cơ sở mang lại quyền con người cho tất cả mọi người, “không ai bị bỏ lại phía sau”. Từ tiền phong kiến, phong kiến cho đến giai đoạn 1945-1954 và giai đoạn 1954-1975; vua, cha, anh chúng ta đã trải qua biết bao cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, đổ biết bao xương máu và nước mắt để giành quyền giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ. Dù công cuộc phát triển đất nước sau thời chiến gặp muôn vàn khó khăn do hậu quả nặng nề của chiến tranh mang lại, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta vẫn kiên định với mục tiêu, giá trị cốt lõi đã đề ra đó là “độc lập - tự do - hạnh phúc”. Cho đến nay, các thành tựu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế đã tạo các điều kiện vật chất và nguồn lực để bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của nhân dân. Ðời sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt và ngày càng được nâng cao; tỷ lệ nghèo giảm mạnh cùng với việc thúc đẩy bình đẳng xã hội, việc thụ hưởng các quyền con người của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực được nâng lên rõ rệt.

Những nỗ lực bảo đảm quyền con người của Việt Nam đã được quốc tế hoan nghênh tại các phiên họp quốc tế. Qua đó, ghi nhận những thành tựu của Việt Nam trong cải cách tư pháp, hoàn thiện pháp luật về quyền con người, nỗ lực không ngừng nâng cao đời sống cho người dân, bảo đảm an ninh xã hội, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, cải thiện tiếp cận dịch vụ công, bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo, quyền tiếp cận thông tin… Cùng với những thành tựu nêu trên, Việt Nam cũng luôn nỗ lực đóng góp tích cực vào những giá trị chung, tích cực và tiến bộ của nhân loại về quyền con người. Việt Nam tham gia tích cực vào các diễn đàn liên quan đến quyền con người của Liên Hợp Quốc, ASEAN và các cơ chế khác. Tại các diễn đàn này, Việt Nam đã chủ động đưa ra và được cộng đồng quốc tế hoan nghênh các sáng kiến về quyền con người, đặc biệt về nội dung liên quan đến bảo đảm quyền phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, những người chịu tác động của biến đổi khí hậu. Trên nền tảng kết quả đã đạt được, và cũng để bảo đảm tốt nhất quyền cho mọi người dân, Việt Nam tiếp tục nỗ lực hoàn thiện nhà nước pháp quyền, củng cố nền tảng pháp lý và chính sách liên quan đến bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Cụ thể là việc đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công, ngăn chặn quan liêu, tham nhũng, phát huy dân chủ và nâng cao hiệu lực của bộ máy Nhà nước; thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, chú trọng các chính sách giảm bền vững nghèo đa chiều, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các khu vực địa lý, các nhóm dân cư, trong đó đặc biệt chú trọng các nhóm dễ bị tổn thương.

Trong thời đại hiện đại hóa, công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực; đối ngoại nhân dân được xem là một bộ phận không thể thiếu trong công tác đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước ta hiện nay, góp phần tích cực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước bền vững. Thực tế, Trà Vinh là một trong những tỉnh khó khăn nhất tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Với sự quan tâm của Đảng và chính quyền các cấp, công tác đối ngoại nhân dân đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, góp phần tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong việc phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà, đời sống người dân từng bước được cải thiện rõ nét. Công tác đối ngoại nhân dân trên địa bàn tỉnh những năm qua đã được cụ thể hóa với sự ra đời của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Trà Vinh. Cơ quan được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2012 với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan chuyên trách trong công tác đối ngoại nhân dân và là đầu mối vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài tại tỉnh.    

Kể từ khi đi vào hoạt động cho đến nay, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Trà Vinh (gọi tắt là Liên hiệp) đã tiếp và làm việc với 531 đoàn với hơn 4.600 lượt người là lãnh đạo, cán bộ, nhân viên và nhà tài trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đến làm việc, khảo sát và đầu tư thực hiện các chương trình dự án tại địa phương. Giai đoạn 2012-2019, Liên hiệp đã trực tiếp vận động được các tổ chức phi chính phủ nước ngoài viện trợ kinh phí thực hiện 249 chương trình/dự án, phi dự án với kinh phí cam kết tài trợ trên 200 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực giáo dục, y tế, biến đổi khí hậu, nước sạch và vệ sinh; phát triển cộng đồng, hỗ trợ người khuyết tật, phụ nữ và trẻ em, viện trợ khẩn cấp… Mặc dù, quy mô các dự án phi chính phủ nước ngoài không lớn nhưng đối tưởng hưởng lợi tập trung chủ yếu vào người nghèo, các đối tượng dễ bị tổn thương tại các khu vực vùng sâu, vùng xa bị hạn chế trong việc tiếp cận với các dịch vụ công ích, an sinh xã hội. Từ đó góp phần từng bước san lấp khoảng cách xã hội giữa các nhóm đối tượng; tất cả mọi người ai cũng được đảm bảo các quyền con người theo pháp luật quy định.

Trước đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới hiện nay, Việt Nam đã chứng minh rằng đại đoàn kết dân tộc là sức mạnh vô cùng to lớn giúp chúng ta đứng vững trước bất cứ trở ngại nào. Với tinh thần tương thân tương ái, không bỏ lại một ai phía sau, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh, chỉ đạo các cấp chính quyền, các đơn vị liên quan thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 hết sức hiệu quả. Hiện nay, tình hình dịch bệnh tại Việt Nam đã từng bước được kiểm soát. Đạt được kết quả này, rõ ràng phải kể đến tinh thần tự giác thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch bệnh của đại đa số người dân, đó là tinh thần đoàn kết dân tộc.

Trong tình hình khó khăn hiện nay, những người có thu nhập thấp chính là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Nhận thấy điều này, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Trà Vinh đã vận động các tổ chức phi chính phủ nước ngoài như Tzu Chi/Đài Loan, Liên Minh Na Uy hỗ trợ các gói viện trợ khẩn cấp là các nhu yếu phẩm, vật tư y tế cho các hộ gia đình khó khăn bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, góp phần giúp các đối tượng này vượt qua giai đoạn hiện nay.

Nói chung, trải qua quá trình lịch sử xây dựng phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn lấy người dân làm gốc, là mục tiêu hướng đến để phấn đấu. Thực tế, các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng đều hướng đến mục đích cuối cùng là quyền lợi, lợi ích của nhân dân. Trong tình hình hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, đối ngoại nhân dân đóng vai trò hết sức quan trọng, góp phần mạnh mẽ vào việc cải thiện đời sống người dân và đảm bảo quyền của tất cả mọi người là như nhau. Đây chính là nền tảng phát triển đất nước bền vững.

Tác giả: Quốc Nhân

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 4
  • Trong tuần: 49
  • Tất cả: 178741