Công tác đối ngoại nhân dân gắn với mục tiêu phát triển bền vững để “không ai bị bỏ lại phía sau”
Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực chuyển biến nhanh và phức tạp, tác động nhiều chiều đến an ninh-chính trị, đến sự phát triển của đất nước; tạo ra thời cơ thuận lợi, song cũng có cơ hội cho các thế lực thù địch lợi dụng ra sức xuyên tạc, chống phá. Trước tình hình thực tế, đối ngoại nhân dân là bộ phận cấu thành quan trọng của mặt trận ngoại giao, góp phần thực hiện nhiệm vụ, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta theo hướng mở rộng hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, phục vụ cách mạng Việt Nam. 

Xác định công tác đối ngoại nhân dân là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược lâu dài, có vị trí ngày càng quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có thể nói, đối ngoại nhân dân luôn phát triển, mở rộng sự đoàn kết, hòa bình, hữu nghị, gắn với hoạt động vận động viện trợ nhân đạo, giới thiệu, quảng bá đến bạn bè quốc tế và nhân dân thế giới ngày càng hiểu đúng và đầy đủ hơn về đất nước, con người Việt Nam nói chung về văn hóa và con người Trà Vinh nói riêng; qua đó tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Đồng thời nêu cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, lợi dụng hoạt động đối ngoại nhân dân để tác động vào nội bộ ta, nhất là các lĩnh vực đời sống, tư tưởng, văn hóa, báo chí, xây dựng pháp luật, dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo; các địa bàn vùng sâu, vùng xa; các đối tượng nghèo có hoàn cảnh khó khăn….

Trà Vinh, là tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ cùng với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế của tỉnh tiếp tục được phát triển. Công tác đối ngoại nhân dân của tỉnh đã có nhiều bước tiến mới, đồng thời tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về hoạt động đối ngoại, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có 04 Hội Hữu nghị song phương là: Việt Nam-Trung Quốc, Việt Nam-Canada, Việt Nam-Campuchia và Việt Nam-Nhật Bản. Các hoạt động của các Hội Hữu nghị song phương ngày càng đi vào chiều sâu và thiết thực, thu hút được đông đảo các lực lượng tham gia thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân của tỉnh.

Trong năm 2019, tỉnh đã tiếp và làm việc 56 lượt đoàn cùng với 376 lượt người gồm các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam; các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài; chuyên gia; tình nguyện viên của các Trường Đại học quốc gia; các nhà đầu tư nước ngoài đến tỉnh tham quan, học tập kinh nghiệm, thu thập thông tin các vùng dự án, tổ chức hội thảo liên quan đến các dự án tài trợ; tìm hiểu các thông tin về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, tiềm năng, thế mạnh và các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh. Về phía tỉnh, luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh cũng như việc đón tiếp và làm việc với các đoàn nước ngoài bảo đảm đúng nội dung, đúng quy định. Qua đó, từng bước nâng cao năng lực quan hệ đối ngoại, tạo niềm tin và uy tín đối với các đối tác; công tác thông tin tuyên truyền cũng được kết hợp chặt chẽ, tạo sự đồng thuận giữa đối tác và người dân địa phương.

Thực hiện chủ trương vận động các nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các hoạt động viện trợ mang tính nhân đạo nhằm mục đích cải thiện đời sống cho những người có hoàn cảnh khó khăn với đối tượng hướng tới là những người nghèo, phụ nữ, người yếu thế, trẻ em khuyết tật, mồ côi. Các dự án đã mang lại những hiệu quả nhất định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho một bộ phận nhân dân, đặc biệt với những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Năm 2019, tỉnh đã tiếp nhận viện trợ của 08 Tổ chức PCPNN, thực hiện 24 chương trình, dự án, với tổng số vốn tài trợ là: 11.145.000.000 VNĐ. Tỉnh đã xây dựng mối quan hệ tốt với các tổ chức PCPNN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, nhất là những tổ chức có nguồn kinh phí lớn như: Action Aid, SCC, Room to Read, Norwegian Mission Alliance (NaUy)…Công tác vận động phê duyệt, tiếp nhận các khoản viện trợ từ các tổ chức PCPNN đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

Lĩnh vực hoạt động của các tổ chức PCPNN tập trung hỗ trợ chủ yếu vào giáo dục, y tế, biến đổi khí hậu, dự án nước sạch và nhà vệ sinh; ngoài ra còn một số nguồn viện trợ bằng hiện vật như: tặng quà tết; trợ cấp học phí; tặng máy tính xách tay; tặng bộ đèn năng lượng mặt trời cho các hộ nghèo; xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật; hỗ trợ trang thiết bị y tế….. Tuy nhiên, giáo dục vẫn là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giá trị viện trợ của các tổ chức PCPNN cho tỉnh. Năm 2019, có 09 điểm Trường được xây dựng mới và trang bị mới các thiết bị cho Thư viện Trường học.

Mặc dù quy mô các dự án từ nguồn viện trợ phi chính phủ không lớn, song việc tài trợ đã góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ở những vùng khó khăn trong tỉnh, từng bước nâng cao nhận thức của người dân trong việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, một số chương trình hoạt động sinh kế đạt kết quả tích cực, nhiều hộ gia đình có được việc làm ổn định, giúp cải thiện đời sống cho người dân vùng dự án, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Đặc biệt, các nguồn viện trợ không hoàn lại, không vì mục đích lợi nhuận mà tất cả nhằm hướng đến việc hỗ trợ, nâng cao đời sống cho những đối tượng khó khăn, thiệt thòi trong xã hội, nhằm mục tiêu phát triển bền vững để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Từ thực tế cho thấy, nguồn viện trợ PCPNN đã có những đóng góp cho Tỉnh về công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân ở những vùng có dự án. Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, ở những nơi có sự tham gia của các tổ chức PCPNN đã đóng góp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo nhanh hơn, bền vững hơn những vùng khác. Về mô hình phát triển, các tổ chức PCPNN xây dựng, giới thiệu một số mô hình, phương pháp, cách tiếp cận mới cho phát triển. Ngoài ra, tác động về mặt năng lực, cán bộ và người dân, thông qua các dự án có hàng ngàn cán bộ cấp cơ sở, hàng ngàn người dân được đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực.

Các tổ chức PCPNN thực hiện tốt và đầy đủ các quy định hoạt động trên địa bàn tỉnh. Đa số các tổ chức có Giấy đăng ký hoạt động trước khi đến địa phương tài trợ chương trình/dự án. Nội dung chương trình/dự án phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đảm bảo an ninh chính trị tại địa phương và tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam.

Hướng đến hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 để “không ai bị bỏ lại phía sau” phải gắn liền với chính sách an sinh xã hội, bảo trợ xã hội, tạo việc làm giảm nghèo bền vững, chính sách đối với các nhóm yếu thế. Để góp phần thực hiện vào mục tiêu trên, công tác đối ngoại nhân dân tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới đất nước; phát huy sức mạnh của công tác đối ngoại nhân dân để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân, bạn bè quốc tế.

Năm 2020, là năm diễn ra nhiều sự kiện lớn như: “Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9”; chào mừng Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trước những sự kiện trên, các thế lực thù địch trong và ngoài nước đang ra sức xuyên tạc bản chất tốt đẹp của chế độ ta, coi dân chủ, nhân quyền là giá trị của Tư bản chủ nghĩa. Vì vậy, cán bộ, đảng viên và nhân dân cần nhận thức đúng đắn về quan điểm, chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước về quyền con người, về âm mưu của các thế lực lợi dụng vấn đề quyền con người để chống phá cách mạng Việt Nam; công tác tư tưởng cần giữ vững, ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biển bảo, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, tạo môi trường hòa bình, thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước, tạo nền tảng và nguồn lực vững chắc để thúc đẩy sự hưởng thụ các quyền con người.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông tin đối ngoại, thông qua các hoạt động giao lưu hữu nghị, tổ chức họp mặt, gặp gỡ các TCPCPNN, tham gia các diễn đàn nhân dân, hội thảo, tập huấn, gặp gỡ với Tổng Lãnh sự quán của các nước, hoạt động giao lưu hữu nghị, họp mặt thường niên nhân các sự kiện quan trọng giữa Việt Nam và các nước.….Tranh thủ các kênh thông tin này, để giới thiệu về hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam đồng thời quảng bá những lợi thế, tiềm năng của tỉnh đến đối tác. Chủ động tổ chức các hoạt động thiết thực, để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, củng cố tình đoàn kết hữu nghị, xây dựng sự tin cậy, hợp tác cùng phát triển với các nước.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân và chất lượng thông tin đối ngoại, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh (Liên hiệp) là cơ quan chuyên trách về công tác đối nhân dân của tỉnh, đã xây dựng Website Liên hiệp trên cổng thông tin điện tử của tỉnh. Website Liên hiệp từng bước đổi mới về hình thức và nội dung, góp phần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại cũng như đưa hình ảnh con người và quê hương Trà Vinh đến với bạn bè quốc tế.

Chú trọng làm tốt công tác biểu dương, ghi nhận các đối tác đã đạt thành tích trong hoạt động đối ngoại nhân dân và vận động viện trợ nhân đạo về tỉnh.

Làm tốt công tác đối ngoại nhân dân để tranh thủ có nhiều dự án nhưng phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện những thiếu sót, sơ hở, nhất là việc lợi dụng các hoạt động đối ngoại tại địa phương xâm phạm đến các quyền con người để kịp thời tháo gỡ, tránh gây bức xúc trong nhân dân, tạo cơ hội cho những người thiếu thiện chí lợi dụng xuyên tạc.

Xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân, nhất là tinh thần cảnh giác, có ý thức giữ gìn bí mật, bảo vệ Đảng và Nhà nước.

Tác giả: Trúc Giang

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 2
  • Trong tuần: 47
  • Tất cả: 178739